Nguyễn Trung Nam (Tony) – Luật sư sáng lập EPLegal
Bài viết này giải thích ngắn gọn về các nguyên tắc phân bổ chi phí trong vụ kiện trọng tài theo góc nhìn của pháp luật Anh và pháp luật Việt Nam, điều này hỗ trợ Hội đồng trọng tài và các bên xác định hoặc đệ trình phân bổ chi phí trong phạm vi của những hệ thống pháp luật tương ứng. Bài viết cũng giới thiệu sơ bộ về phương thức tính lãi trong vụ kiện trọng tài dưới góc độ so sánh.
- Những chi phí nào sẽ được phân bổ?
Theo Điều 59 của Arbitration Act 1996, những chi phí được phân bổ bao gồm: (a) phí và chi phí của các trọng tài viên, (b) phí và chi phí của bất kỳ tổ chức trọng tài liên quan, và (c) chi phí pháp lý hoặc chi phí khác của các bên.
Trên thực tế, những chi phí sau đã được xác lập rõ ràng trong trọng tài quốc tế:
(a) Chi phí của Hội đồng trọng tài (“HĐTT”) và, trong tổ chức trọng tài, chi phí phải trả cho bên điều hành thủ tục tố tụng trọng tài (thường được tổ chức trọng tài ấn định trước);
(b) Những chi phí hợp lý cho việc đi lại và các chi phí khác phát sinh của các trọng tài viên;
(c) Phí tư vấn của chuyên gia và các chi phí hỗ trợ khác theo yêu cầu của HĐTT (ví dụ: phí dịch thuật, báo cáo tòa án)
(d) Những chi phí hợp lý cho việc đi lại hoặc chi phí khác của những người làm chứng đã được HĐTT phê duyệt;
(e) Chi phí pháp lý hợp lý và những chi phí phát sinh của các bên liên quan đến vụ kiện trọng tài;
(f) Bất kỳ phí hoặc chi phí nào của cơ quan chỉ định theo yêu cầu của các bên.
Đã có những thảo luận về việc chi phí chung của các bên (ví dụ như là luật sư nội bộ và nhân chứng) tham gia vào quá trình trọng tài có được tính là chi phí trong trọng tài hay không, nhưng việc phân bổ các chi phí này hiếm khi được các bên đệ trình lên HĐTT. Thông thường, những chi phí pháp lý và phí chuyên môn khác mà các bên đã chi (ví dụ như chi phí liên quan đến chậm trễ, tư vấn định lượng và chuyên gia pháp lý) sẽ được chú trọng hơn, vì trong phần lớn của các trường hợp, các bên sẽ không đồng ý về điều này khi việc tính toán các chi phí có liên quan tới nguyên tắc phân bổ chi phí.
Luật Trọng Tài Thương Mại (“LTTTM”) chỉ đưa ra một định nghĩa khá hạn chế cho chi phí trọng tài (nhưng không nhất thiết là chi phí) gồm những nội dung sau:
(a) Thù lao Trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho trọng tài viên;
(b) Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của HĐTT;
(c) Phí hành chính;
(d) Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp;
(e) Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi Trung tâm trọng tài.
Những phí pháp lý và phí tư vấn chuyên môn khác (chẳng hạn như chuyên gia kỹ thuật/pháp lý) mà các bên chỉ định tham gia (nhưng không nhất thiết theo yêu cầu của HĐTT) thường chiếm phần lớn nhất trong chi phí trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, LTTTM không đề cập tới các chi phí này. Đây là một lỗ hổng lớn trong LTTTM cần được hoàn chỉnh để phát triển trong tương lai.
Mặc dù pháp luật về trọng tài thương mại Việt Nam và trọng tài quốc tế có độ vênh nhất định, nhưng tại Trung Tâm Trọng Tài Việt Nam (“VIAC”) – tổ chức trọng tài lớn nhất tại Việt Nam, các trọng tài viên của VIAC thường chấp nhận rằng nguyên tắc về phí trọng tài theo quy định của LTTTM cũng có thể áp dụng đối với phí pháp lý và phí chuyên gia được các bên chỉ định.
- Nguyên tắc chung về phân bổ chi phí
Trong luật trọng tài Anh, HĐTT có toàn quyền quyết định về chi phí theo cách mà họ thấy phù hợp. Các chi phí thường được xác định dựa trên cơ sở tiêu chuẩn, trừ khi có quyết định khác. “Cơ sở tiêu chuẩn” này được Civil Procedural Rules ở Anh (trương đương với Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam) diễn giải như sau:
(a) HĐTT chỉ cho phép các chi phí tương xứng với các vấn đề tranh chấp. Các chi phí không cân xứng với khoản tranh chấp có thể bị gạt bỏ hoặc điều chỉnh giảm ngay cả khi những chi phí đấy là các chi phí phát sinh một cách hợp lý hoặc cần thiết; và
(b) Khi có bất kỳ nghi ngờ nào về việc liệu chi phí có phát sinh một cách hợp lý và tương xứng hoặc số tiền yêu cầu có hợp lý và tương xứng với vụ việc hay không, HĐTT sẽ xem xét theo hướng có lợi cho bên phải thanh toán.
- Ngoại lệ
Trong những trường hợp sau HĐTT có thể không áp dụng nguyên tắc chung nói trên mà có thể áp dụng theo cơ sở bồi hoàn để phân bổ chi phí:
- Nguyên đơn phóng đại rất lớn số tiền mình yêu cầu;
- Hành xử không thể chấp nhận được của một trong các bên;
- Bên thắng kiện bị thiệt hại do một vấn đề khác rất tốn thời gian;
- Đề nghị được niêm phong hay thường được gọi là “Part 36 offer”. Điều này có nghĩa là nếu bên thắng kiện từ chối đề nghị bằng hoặc nhiều hơn khoản tiền mà họ được trao, thì mọi chi phí phát sinh từ thời điểm đề nghị được đưa ra trở đi sẽ do Nguyên đơn chịu.
Trong trường hợp chi phí được đánh giá trên cơ sở bồi hoàn, HĐTT sẽ không xem xét yếu tố cân xứng mà chỉ kiểm tra tính hợp lý. Ngoài ra, khi có bất kỳ nghi ngờ nào về liệu chi phí đã phát sinh một cách hợp lý hay không, HĐTT sẽ xem xét theo hướng có lợi cho bên nhận thanh toán.
Trong cả hai trường hợp trên, HĐTT sẽ không cho phép chi phí phát sinh bất hợp lý hoặc số tiền không hợp lý.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận trước về chi phí?
Thông thường, HĐTT sẽ ưu tiên thực hiện theo thỏa thuận của các bên để phân bổ chi phí, nhưng HĐTT sẽ đối chiếu với luật xem có quy định bắt buộc nào giới hạn thỏa thuận các bên không. Ví dụ, theo Luật Anh, các bên chỉ có thể thỏa thuận tự chịu chi phí của mình sau khi phát sinh tranh chấp. Nếu các bên thỏa thuận ngay trong hợp đồng ban đầu là các bên tự chịu chi phí của mình thì thỏa thuận này sẽ không có hiệu lực.
Việc chi phí phân bổ trong vụ kiện trọng tài là vấn đề về thủ tục (trái với vấn đề về nội dung) và sẽ được điều chỉnh bởi luật của địa điểm giải quyết tranh chấp. Nếu đây là một vấn đề về nội dung, thì luật điều chỉnh hợp đồng sẽ được áp dụng để xác đinh các vấn đề chi phí. Đối với các vụ kiện SIAC gần đây với một hoặc các bên liên quan là người Việt Nam, HĐTT có xu hướng áp dụng các nguyên tắc chung về phân bổ chi phí trong trọng tài quốc tế mặc dù luật Việt Nam có thể được coi là luật điều chỉnh nội dung hợp đồng.
Trong vụ kiện ICC được xét xử tại Việt Nam gần đây, Trọng tài viên duy nhất vẫn chấp nhận dẫn chiếu tới án lệ nước ngoài để phân bổ chi phí theo đề xuất của một bên mặc dù địa điểm giải quyết tranh chấp là Việt Nam. LTTTM quy định HĐTT có quyền rất lớn trong việc phân bổ chi phí, do đó, HĐTT lập luận dựa trên bất kỳ nguyên tắc hợp lý nào, trừ khi luật của nơi xét xử có điều khoản bắt buộc để cản trở việc đấy.
- Lãi suất
Việc xác định lãi suất là vấn đề về nội dung hay thủ tục đang được xem xét. Về nguyên tắc, một khi điều khoản về tiền lãi được quy định rõ ràng trong hợp đồng, thì điều khoản đó sẽ trở thành quyền và nghĩa vụ của cả hai bên, do đó, điều khoản đó sẽ được điều chỉnh theo luật nội dung của hợp đồng và các hạn chế bắt buộc có thể áp dụng cho việc tính lãi.
Theo luật của Anh, các bên có quyền tự do thỏa thuận về quyền hạn của trọng tài liên quan đến việc phán quyết về lãi suất, bao gồm cả việc áp dụng lãi suất đơn hay lãi kép.
Theo luật pháp Việt Nam, lãi suất có thể bị giới hạn bởi quy định pháp luật.5 Trong một vụ kiện SIAC, hợp đồng quy định bên vi phạm có nghĩa vụ trả lãi chậm trả là 21%, trong đó, luật điều chỉnh hợp của đồng là luật Việt Nam. HĐTT cho rằng thỏa thuận này không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự (luật của nơi xét xử). Bộ luật dân sự không cho phép lãi phạt vượt quá 20%, do đó, HĐTT đã điều chỉnh lãi chậm trả về mức 20% cho phù hợp.
- Kết luận
Những nguyên tắc về chi phí trong trọng tài quốc tế là những nguyên tắc khá đơn giản và hợp lý. Vì sẽ có chi phí phát sinh trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, những khoản phí đó phải được phân bổ giữa các bên và có thể thu hồi được trên cơ sở hợp lý. Nói chung, bên thua kiện sẽ chịu chi phí trọng tài và chi phí pháp lý (và các chi phí liên quan khác) cho bên thắng kiện. Tuy nhiên, Tòa án có quyền lực rộng, mặc dù dựa trên cơ sở chính đáng, để rời khỏi nguyên tắc chi phí này và phân bổ chi phí như một công cụ để phản ánh các bên tiến hành tố tụng trọng tài. Liên quan đến lãi suất, đó là vấn đề của luật nội dung và mặc dù các bên được tự do thỏa thuận về lãi, những hạn chế theo luật nội dung (nếu có) sẽ hạn chế quyền tự chủ của các bên.